Cũng không ít thí sinh có khả năng đậu ĐH với tổng điểm 3 môn xét tuyển khá cao nhưng không trúng tuyển vì bị điểm liệt môn xét tốt nghiệp. Đây là do hệ quả của việc học lệch.
Mục chính
Thiên về xét đại học hơn tích lũy kiến thức phổ thông
Thực vậy, trong số 55 TS bị điểm liệt của tỉnh Bình Định, một số em có điểm xét tuyển ĐH 15 – 16, hoàn toàn có cơ hội trúng tuyển vào một trường ĐH nào đó nhưng đành dở dang vì không đủ điều kiện tốt nghiệp.
Tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng cho rằng trong mấy năm gần đây, nhìn vào điểm số của TS thấy rõ sự học lệch, thiên về xét ĐH hơn là tích lũy kiến thức phổ thông. “Có em học trường chuyên, điểm các môn xét ĐH rất cao nhưng lại bị liệt môn địa lý. Là do ngay đầu cấp THPT các em đã xác định mình vào ngành nào, trường nào, tổ hợp môn gì nên bắt đầu dành thời gian vào 3 môn đó mà bỏ qua các môn khác. Những TS này cần xem lại cách học cũng như thầy cô phổ thông cần xem lại cách định hướng cho học sinh. Đa số giáo viên đều hướng các em học thi tập trung vào các môn xét tuyển ĐH để trúng tuyển”, tiến sĩ Vũ nhìn nhận.
“Thi thế nào học thế đó”
Tiến sĩ Phan Ngọc Minh cũng nhìn nhận một kỳ thi có 2 mục tiêu dễ khiến cho TS không thể cân đối trong việc đầu tư thời gian, trong khi trước đây thi tốt nghiệp xong, biết mình đậu hay rớt TS mới tiếp tục đầu tư vào các môn cho kỳ thi ĐH.
Giỏi 3 môn chưa đủ để học tốt ĐH
Theo thạc sĩ Sơn, kỹ năng học ĐH được hình thành rất nhiều thông qua các môn xã hội, giúp người học có khả năng diễn đạt, thuyết trình, lập luận… “Học lệch là lý do nhiều thủ khoa hoặc nhiều bạn đậu ĐH với điểm rất cao nhưng khi học ĐH lại không học tốt, không nổi trội. Giỏi 3 môn trong tổ hợp xét tuyển chưa đủ để giúp bạn học tốt ĐH. Chính những TS học lực đều khi học ĐH lại có rất nhiều thuận lợi để dẫn đầu”, thạc sĩ Sơn nhận định.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Sở GD-ĐT Bình Định, cũng cho rằng việc học lệch dẫn đến nhiều hệ quả không tốt cho quá trình học ĐH và làm việc sau này. “Các em không bắt buộc phải giỏi tất cả các môn, nhưng cần nắm vững kiến thức cơ bản những môn ngoài tổ hợp môn xét tuyển, vì sau này các em cần áp dụng vào rất nhiều việc như học ĐH, đi làm. Không có môn học nào là thừa cả”, bà Hoàng nêu quan điểm.
Nghịch lý đáng báo độngKết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, điểm trung bình các môn như sau: toán 5,64 – văn 5,48 – lý 5,57 – hóa 5,35 – sinh 4,68 – sử 4,3 – địa 6,0 – giáo dục công dân 7,37 – tiếng Anh: 4,3. Nếu đem so sánh với điểm trung bình trong học bạ của học sinh, điểm số trong học bạ chắc chắn cao hơn rất nhiều so với kết quả điểm thi. Còn với trên 3.000 bài thi có điểm liệt, đây là con số rất báo động khi đem so sánh với điểm học bạ. Chúng tôi biết rằng thực tế ít học sinh có điểm trung bình trong học bạ các môn từ 5,0 trở xuống. Thế sao điểm liệt (từ 1 trở xuống) trong kỳ thi THPT quốc gia lại trên 3.000? Với bộ môn văn, con số 1.265 bài thi điểm liệt là điều không tưởng (tăng gần 7 lần so với năm 2018 là 181 bài). Đây là môn thi bắt buộc nhưng vì sao điểm liệt “khủng” đến như vậy? Đây cũng là câu hỏi lớn đối với việc dạy và học môn văn trong nhà trường. Điểm liệt trong thi THPT quốc gia tăng nhưng điểm trong học bạ thường xuyên cao. Đây phải chăng là một nghịch lý đáng báo động trong giáo dục hiện nay? Thái Hoàng
|
|
|